THÀNH PHẦN, HÀM LƯỢNG CỦA THUỐC
Mỗi viên nén bao phim PAROKEY chứa:
Paroxetin hydrochlorid hemihydrat tương đương
Paroxetin: ……………………………………. 20 mg
Tá dược: Dicalci phosphate khan, cellulose vi tinh thể, copovidon, natri starch glyconat, acid citric, magnesi stearat, HPMC E6, titan dioxyd, talc, polyethylene glycol 4000, polysorbat 80, dầu thầu dầu.
Mỗi viên nén bao phim PAROKEY – 30 chứa:
Paroxetin hydrochlorid hemihydrat tương đương
Paroxetin: ……………………………………. 30 mg
Tá dược: Dicalci phosphate khan, cellulose vi tinh thể, copovidon, natri starch glyconat, acid citric, magnesi stearat, HPMC E6, titan dioxyd, talc, polyethylene glycol 4000, polysorbat 80, dầu thầu dầu.
MÔ TẢ SẢN PHẨM
PAROKEY
Viên nén dài, bao phim màu trắng, hai mặt trơn.
PAROKEY – 30
Viên nén dài, bao phim màu trắng, một mặt dập logo, mặt kia dập gạch ngang.
QUY CÁCH ĐÓNG GÓI
PAROKEY
Hộp 3 vỉ x 10 viên
Hộp 6 vỉ x 10 viên
PAROKEY – 30
Hộp 6 vỉ x 10 viên
THUỐC DÙNG CHO BỆNH GÌ?
PAROKEY & PAROKEY – 30 có chứa thành phần chính có tác dụng dược lý là Paroxetin – một loại thuốc chống trầm cảm thuộc nhóm ức chế tái hấp thu chọn lọc Serotonin (SSRI). Nồng độ hormone Serotonin thấp được cho là nguyên nhân gây ra bệnh trầm cảm và các tình trạng có liên quan khác. Paroxetin đưa nồng độ Serotonin về mức bình thường. Paroxetin dùng ở người lớn để điều trị:
– Bệnh trầm cảm
– Rối loạn ám ảnh cưỡng bức
– Rối loạn hoảng sợ
– Ám ảnh sợ xã hội (rối loạn lo âu xã hội)
– Rối loạn lo âu
– Rối loạn sau sang chấn tâm lý
NÊN DÙNG THUỐC NÀY NHƯ THẾ NÀO VÀ LIỀU LƯỢNG?
Luôn dùng thuốc chính xác như hướng dẫn của bác sĩ hoặc dược sĩ. Nếu bạn chưa rõ, hãy hỏi lại cho chắc chắn.
Liều dùng
Bác sĩ cho bạn lời khuyên về liều dùng khi bắt đầu điều trị
Người lớn
Điều trị trầm cảm
Liều bắt đầu thường dùng là 20 mg/ngày, sau mỗi tuần có thể tăng thêm 10 mg đến liều tối đa là 50 mg/ngày.
Điều trị chứng ám ảnh cưỡng bức
Liều khởi đầu khuyến cáo: 20 mg/ngày, sau ít nhất 1 tuần có thể tăng thêm mỗi 10 mg đến liều khuyến cáo là 40 mg/ngày. Không vượt quá liều 60 mg/ngày
Điều trị hội chứng hoảng sợ
Liều bắt đầu khuyến cáo 10 mg/ngày. Sau ít nhất 1 tuần có thể tăng thêm mỗi 10 mg đến liều tối đa là 40 mg/ngày.
Ám ảnh sợ xã hội
Khởi đầu khuyến cáo: 20 mg/ngày, sau mỗi tuần có thể tăng thêm mỗi 10 mg/ngày đến liều tối đa là 50 mg/ngày.
Chứng rối loạn sau sang chấn tâm lý
Liều khuyến cáo là 20mg/ngày. Sau mỗi tuần có thể tăng thêm mỗi 10 mg/ngày đến liều tối đa là 50 mg/ngày.
Người cao tuổi
Nên bắt đầu với liều của người lớn. Liều tối đa cho người cao tuổi là: 40 mg/ngày.
Trẻ em và thanh thiếu niên
Không khuyến cáo sử dụng Paroxetin cho trẻ em dưới 18 tuổi
Bệnh nhân suy gan/ suy thận
Nếu bạn bị suy gan/ suy thận, bác sĩ có thể cho bạn giảm liều. Liều tối đa ở người suy gan/ suy thận là 20 mg/ngày.
Cách dùng
Bạn nên uống thuốc vào buổi sáng cùng với thức ăn. Thuốc có thể được bẻ đôi nếu cần thiết, nên nuốt, không nên nhai viên.
KHI NÀO KHÔNG NÊN DÙNG THUỐC NÀY?
Không nên dùng thuốc này nếu bạn:
• Mẫn cảm với Paroxetin hoặc bất cứ thành phần nào của thuốc.
• Đang sử dụng các thuốc ức chế Monoamin Oxidase (MAO)
• Đang sử dụng Thioridazin
• Đang sử dụng Pimozid
TÁC DỤNG KHÔNG MONG MUỐN
Cũng giống như các thuốc khác, Paroxetin cũng có thể gây ra các tác dụng không mong muốn, nhưng không phải ai cũng gặp.
Ngưng dùng thuốc và liên hệ với trung tâm y tế gần nhất nếu bạn gặp phải các triệu chứng sau:
Các phản ứng dị ứng, có thể ở mức độ nặng khi dùng thuốc: phát ban đỏ và nổi cục trên da, sưng mí mắt, mặt, môi miệng hoặc lưỡi, cảm thấy ngứa hoặc khó thở (thở ngắn) hoặc khó nuốt và cảm thấy yếu hoặc mê sảng dẫn đến suy sụp hoặc mất ý thức
Ý định làm hại bản thân hoặc tự sát
Phát ban da nghiêm trọng, có khả năng đe dọa tính mạng và cần được cham sóc y tế ngay lập tức. Các vết ban lúc đầu thường xuất hiện dưới dạng vết tròn thường có mụn nước ở trung tâm và thường ở trên tay và bàn tay hoặc chân và bàn chân, trong trường hợp nghiêm trọng hơn có thể có mụn nước ở ngực và lưng. Có thể có các triệu chứng khác như: nhiễm trùng mắt (viêm kết mạc), hoặc loét ở miệng, cổ họng hoặc mũi. Phát ban thể nặng có thể tiến triển thành bong tróc da diện rộng đe dọa đến tính mạng. Thường có các triệu chứng nhức đầu, sốt, nhức mỏi cơ thể (triệu chứng giống cúm) trước khi phát ban da nghiêm trọng.
Phản ứng không mong muốn trên đa dạng (bao gồm hồng ban đa dạng, hội chứng Stevens – Johnson và hoại tử biểu bì nhiễm độc).
Báo ngay cho bác sĩ nếu bạn gặp những triệu chứng sau:
– Vết bầm tím hay chảy máu bất thường, bao gồm nôn ra máu, có máu trong phân hoặc nước tiểu, chảy máu từ nướu hoặc mũi và kéo dài thời gian chảy máu.
– Tiểu khó
– Co giật
– Chứng đứng ngồi không yên (không thể nghỉ ngơi, và bạn cảm thấy không thể đứng hoặc ngồi yên), hạ natri huyết (gây mệt mỏi, yếu, lú lẫn và đau, cứng cơ hoặc không phối hợp được cơ).
– Hội chứng Serotonin (lú lẫn, không thể nghỉ ngơi, đổ mồ hôi, run, ảo giác (nhìn thấy hình ảnh lạ hoặc nghe thấy âm thanh lạ), cơ bắp giật đột ngột hoặc nhịp tim nhanh.
– Glaucoma cấp (đau mắt và nhìn mờ)
Các tác dụng không mong muốn khác
Rất thường gặp (có thể tác động đến hơn 1 trong 10 người)
– Giảm tập trung
– Buồn nôn
– Rối loạn chức năng sinh dục
Thường gặp (có thể tác động đến 1 trong 10 người)
– Tăng nồng độ cholesterol, giảm sự ngon miệng.
– Buồn ngủ, mất ngủ, kích động, mơ bất thường (bao gồm ác mộng)
– Chóng mặt, run, nhức đầu.
– Nhìn mờ, ngáp
– Táo bón, tiêu chảy, nôn, khô miệng
– Đổ mồ hôi
– Suy nhược, tăng cân
Ít gặp (có thể tác động đến 1 trong 100 người)
– Chảy máu bất thường, chủ yếu là ở da và màng nhầy (hầu hết là vết bầm máu).
– Thay đổi kiểm soát đường huyết ở bệnh nhân đái tháo đường.
– Lú lẫn, ảo giác
– Rối loạn ngoại tháp
– Giãn đồng tử
– Nhịp xoang nhanh
– Tăng/hạ huyết áp thoáng qua thường ở bệnh nhân đã bị tăng huyết áp hoặc lo âu, hạ huyết áp thế đứng.
– Phát ban, ngứa
– Khó tiểu, tiểu không tự chủ
Hiếm gặp (có thể tác động đến 1 trong 1.000 người)
– Hạ natri huyết chủ yếu ở người lớn tuổi và đôi khi do hội chứng tiết hormone chống bài niệu không phù hợp (SIADH).
– Phản ứng hưng cảm, kích động, lo lắng, giải thể nhân cách, cơn hoảng loạn, chứng ngồi nằm không yên.
– Co giật, hội chứng chân không nghỉ (RLS)
– Chậm nhịp tim
– Tăng enzyme gan
– Tăng prolactin huyết/ chứng vú to ở nam giới
– Đau cơ, khớp
Rất hiếm gặp (có thể tác động đến 1 trong 10.000 người)
– Giảm tiểu cầu
– Phản ứng dị ứng nặng và có thể gây tử vong (bao gồm phản ứng phản vệ và phù mạch)
– Hội chứng tiết hormone chống bài niệu không phù hợp (SIADH).
– Hội chứng Serotonin (triệu chứng có thể bao gồm: kích động, lú lẫn, toát mồ hôi, ảo giác, tăng phản xạ, rung giật cơ, run rẩy, nhịp tim nhanh và run). Báo cáo rối loạn ngoại tháp bao gồm rối loạn vận động lặp lại ở một số bệnh nhân đôi khi có rối loạn vận động hoặc có sử dụng thuốc an thần.
– Glaucoma cấp
– Chảy máu đường tiêu hóa
– Biến cố trên gan (như viêm gan, đôi khi có vàng da và/hoặc suy gan)
– Nổi mày đay, phản ứng nhạy cảm ánh sáng.
– Cương cứng kéo dài
– Phù ngoại biên
Chưa rõ tần suất
– Ý tưởng tự sát và hành vi tự sát trong khi điều trị với Paroxetin và giai đoạn sớm sau khi ngừng điều trị, có thể do bệnh tiềm ẩn, kích động.
– Ù tai
Thuốc có thể gây các tác dụng không mong muốn khác. Thông báo cho bác sĩ hoặc dược sĩ biết tác dụng không mong muốn bạn gặp phải khi dùng thuốc.
Hướng dẫn cách xử trí ADR
Bạn cần ngưng dùng thuốc khi bị nổi ban da hoặc nổi mày đay và đến các trung tâm y tế để điều trị bằng các thuốc kháng histamine hoặc/ và glucocorticoid.
Bạn có thể nhai kẹo cao su hoặc kẹo không đường, hoặc chất thay thế nước bọt để giảm khô miệng, nếu khô miệng kéo dài quá 2 tuần, bạn cần đến khám bác sĩ.
Thông báo ngay cho bác sĩ nếu bạn có bất kỳ thay đổi hành vi nào như kích động, cáu gắt, xuất hiện ý định tự tử. Nếu dự định ngừng thuốc, phải ngừng dần dần nhưng càng nhanh nếu có thể, tránh ngừng thuốc đột ngột.
Thông báo ngay cho bác sĩ nếu bạn có biểu hiện như: Thay đổi tình trạng tâm trí (kích động, ảo giác, hôn mê), thần kinh thực vật không ổn định (tim đập nhanh, huyết áp dao động, sốt cao), tăng trương lực cơ, rung giật cơ … Đây có thể là triệu chứng của hội chứng cường Serotonin.
NÊN TRÁNH DÙNG NHỮNG THUỐC HOẶC THỰC PHẨM GÌ KHI ĐANG SỬ DỤNG THUỐC NÀY?
Thông báo cho bác sĩ hoặc dược sĩ của bạn về tất cả các loại thuốc mà bạn đang sử dụng (bao gồm các thuốc kê đơn hoặc không kê đơn, các vitamin hoặc thuốc từ dược liệu).
Thông báo cho bác sĩ hoặc dược sĩ nếu bạn đang sử dụng các thuốc sau:
– Các thuốc ức chế MAO, hoặc đã dùng thuốc trong vòng 2 tuần qua
– Thioridazin (thuốc an thần)
– Fentanyl hoặc pethidin (cho trường hợp đau nặng).
– Tramadol (thuốc giảm đau)
– Các thuốc triptan như sumatriptal (trị đau nửa đầu)
– Các thuốc chống trầm cảm khác: bao gồm các SSRI khác
– Thuốc điều trị các tình trạng tâm thần như lithi, perphenazin.
– Cỏ St. John (thuốc điều trị trầm cảm từ dược liệu)
– Linezolid (thuốc kháng sinh)
– Xanh methylen (thuốc điều trị tăng methemoglobin huyết).
Sử dụng các thuốc trên với Paroxetin có thể dẫn đến hội chứng Serotonin
Một số thuốc có thể ảnh hưởng đến tác dụng của Paroxetin hoặc làm cho bạn dễ bị tác dụng không mong muốn hơn. Paroxetin cũng có thể ảnh hưởng đến tác dụng của một số thuốc, bao gồm:
– Aspirin, ibuprofen và các thuốc NSAID như Celecoxib, Etodolac, Meloxicam và Refecoxib (thuốc giảm đau kháng viêm)
– Các thuốc chống trầm cảm khác bao gồm: trytophan và các thuốc trị trầm cảm ba vòng như clomipramin, notriptylin và desipramin.
– Thuốc điều trị một số tình trạng tâm thần như: clozapin, risperidone, pimozid.
– Natri valproat, Phenobarbital, Phenytoin hoặc Carbamazepin (thuốc trị động kinh)
– Atomoxetin (thuốc trị rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD))
– Procyclidin (thuốc giảm run, đặc biệt là trong bệnh Parkinson).
– Warfarin và các thuốc chống đông khác (để làm loãng máu).
– Propafenon, flecainid (thuốc trị loạn nhịp)
– Tamoxifen (thuốc trị ung thư vú)
– Fosamprenivir/ Ritonavir (thuốc trị HIV)
– Metoprolol, thuốc chẹn beta sử dụng trong điều trị tăng huyết áp và các vấn đề về tim.
– Rifampicin (thuốc trị lao và phong)
– Pravastatin, thuốc thị tăng cholesterol
Dùng thuốc với thức ăn – đồ uống
Bạn không nên uống đồ uống có cồn khi đang dùng Paroxetin. Rượu có thể làm các tác dụng không mong muốn nặng hơn.
CẦN LÀM GÌ KHI MỘT LẦN QUÊN KHÔNG DÙNG THUỐC?
Nếu bạn quên không dùng một liều, nên uống liều đó ngay khi có thể. Nếu nhớ ra trước khi đi ngủ, uống ngay liều đã quên. Nếu nhớ ra vào ban đê hoặc ngày hôm sau, bỏ qua liều đã quên và dùng thuốc theo đúng lịch trình cũ. Không uống gấp đôi liều.
NẾU BẠN MUỐN NGỪNG THUỐC
Đừng ngưng dùng Paroxetin cho đến khi bác sĩ yêu cầu bạn ngưng
Khi ngưng dùng Paroxetin, bác sĩ sẽ giảm liều cho bạn từ từ trong vài tuần hay vài tháng. Điều này sẽ giúp giảm nguy cơ hội chứng cai thuốc. Bác sĩ có thể giảm dần 10 mg Paroxetin mỗi tuần. Hầu hết các triệu chứng nhẹ và tự khỏi trong vòng 2 tuần. Đối với một số người, các triệu chứng có thể nặng hơn hoặc kéo dài hơn.
Nếu bạn bị hôi chứng cai thuốc, bác sĩ có thể giảm liều chậm hơn. Nếu bạn bị hội chứng cai thuốc nghiêm trọng, hãy liên hệ ngay với bác sĩ. Bác sĩ có thể cho bạn uống lại thuốc và giảm liều chậm hơn.
NẾU NGƯỜI BỆNH KHÔNG CẢM THẤY KHỎE HƠN
Paroxetin sẽ không làm giảm triệu chứng của bệnh ngay lập tức. Tất cả các thuốc chống trầm cảm đều cần có thời gian để phát huy hiệu quả. Một số bệnh nhân thấy khỏe hơn trong vài tuần, nhưng một số khác có thể cần thời gian dài hơn. Một số bệnh nhân khi dùng thuốc chống trầm cảm, cảm thấy tệ hơn, một thời gian sau họ mới thấy khỏe hơn. Nếu sau vài tuần, bạn không cảm thấy đỡ, cần đến gặp bác sĩ để nhận được lời khuyên.
CẦN BẢO QUẢN THUỐC NÀY NHƯ THẾ NÀO?
Giữ thuốc trong bao bì gốc của nhà sản xuất, đậy kín.
Để thuốc nơi khô ráo, tránh ánh sáng, nhiệt độ không quá 30°C, xa tầm với của trẻ em.
Không dùng thuốc quá hạn sử dụng gi trên bao bì (hộp và vỉ thuốc)
NHỮNG DẤU HIỆU VÀ TRIỆU CHỨNG KHI DÙNG THUỐC QUÁ LIỀU
Dùng thuốc theo đúng liều chỉ định của bác sĩ. Các triệu chứng xảy ra khi dùng thuốc quá liều: buồn nôn, nôn, chóng mặt, ra mồ hôi, kích động, hưng cảm nhẹ. Nếu dùng thuốc nhiều hơn chỉ dẫn, ngưng dùng thuốc và liên lạc ngay với bác sĩ hoặc trung tâm y tế gần nhất.
Mang theo viên thuốc cùng với bao bì để bác sĩ biết bạn đã uống thuốc gì và có biện pháp xử lý kịp thời.
NHỮNG LƯU Ý VÀ THẬN TRỌNG KHI DÙNG THUỐC
Trước khi dùng thuốc này, thông báo cho bác sĩ nếu bạn đang có các vấn đề về sức khỏe sau đây:
– Có vấn đề về mắt, gan, thận hoặc tim
– Bị động kinh hoặc có tiền sử co giật
– Có những cơn hưng cảm (hành động hoặc suy nghĩ quá khích)
– Dùng liệu pháp sốc điện
– Tiền sử rối loạn chảy máu
– Bị đái tháo đường
– Đang dùng chế độ ăn hạn chế muối
– Bị ung thư vú
– Tăng nhãn áp (áp lực ở mắt)
– Khi đang dùng thuốc, báo với bác sĩ hoặc dược sĩ nếu bạn bị các triệu chứng như: lú lẫn, không thể nghỉ ngơi, đổ mồ hôi, run, ảo giác (nhìn thấy hình ảnh lạ hoặc nghe thấy âm thanh lạ), co giật cơ đột ngột hoặc tim đập nhanh, vì những triệu chứng này có thể là dấu hiệu của hội chứng Serotonin.
– Thuốc có chứa Lactose, thông báo cho bác sĩ biết nếu bạn không dung nạp với bất kỳ loại đường nào.
– Thuốc có chứa Polysorbat 80 có thể gây dị ứng, dầu thầu dầu có thể gây nôn, buồn nôn, đau bụng, tiêu chảy.
Suy nghĩ tự sát và bệnh trầm cảm hoặc rối loạn lo âu của bạn nặng hơn.
Nếu bạn bị trầm cảm và/hoặc rối loạn lo âu, đôi khi bạn có thể có ý nghĩ tự làm hại bản thân hoặc tự sát. Các triệu chứng này có thể tăng khi bạn mới bắt đầu điều trị vì thuốc cần một khoảng thời gian để phát huy hiệu quả (thường khoảng 2 tuần nhưng đôi khi lâu hơn)
Bạn thường có suy nghĩ giống như vậy nếu bạn:
– Đã từng có ý nghĩ tự làm hại bản thân hoặc tự sát
– Là người trẻ tuổi: Thông tin trên thử nghiệm lâm sàng cho thấy sự gia tăng nguy cơ hành vi tự sát ở người trẻ tuổi (< 25 tuổi) với tình trạng tâm thần có điều trị với thuốc chống trầm cảm
Nếu bạn có ý nghĩ tự làm hại bản thân hoặc tự sát, liên hệ với bác sĩ hoặc đến bệnh viện ngay lập tức.
Sẽ tốt hơn nếu bạn nói cho người thân hoặc bạn bè biết bạn đang bị trầm cảm hoặc rối loạn lo âu. Bạn có thể nhờ họ nói cho bạn biết nếu họ thấy bệnh trầm cảm hoặc lo âu của bạn nặng hơn, hoặc nếu họ lo lắng về sự thay đổi trong hành vi của bạn.
Dùng thuốc cho trẻ em
Không nên dùng Paroxetin cho trẻ em và thanh thiếu niên dưới 18 tuổi.
Phụ nữ mang thai hoặc cho con bú
Nếu bạn đang mang thai, nghi ngờ mang thai, có ý đinh mang thai hoặc cho con bú hãy hỏi ý kiến bác sĩ trước khi dùng thuốc này.
Phụ nữ mang thai
Nếu bạn phát hiện mình mang thai trong khi đang dùng Paroxetin, thông báo ngay cho bác sĩ. Vì một số nghiên cứu gợi ý rằng: nguy cơ dị tật tim tăng ở trẻ có mẹ dùng Paroxetin trong những tháng đầu thai kỳ. Bác sĩ có thể quyết định cho bạn giảm liều từ từ khi mang thai. Tuy nhiên, tùy vào tình trạng của bạn mà bác sĩ có thể quyết định tiếp tục dùng thuốc sẽ tốt hơn cho bạn.
Nếu sử dụng trong thai kỳ, đặc biệt là 3 tháng cuối, Paroxetin có thể làm tăng nguy cơ tình trạng nghiêm trọng trên trẻ gọi là áp phổi dai dẳng ở trẻ sơ sinh (PPHN). PPHN làm tăng huyết áp ở mạch máu phổi, có thể dẫn đến những bất thường đông máu ở phổi và tim. Trẻ có thể không đưa đủ oxy vào máu. Những triệu chứng này thường xảy ra trong vòng 24 giờ đầu sau khi sinh và bao gồm không thể ngủ hoặc cho ăn bình thường, thở nhanh hơn, da xanh nhạt hoặc người quá nóng hoặc quá lạnh, bị bệnh, khóc nhiều, cứng cơ hoặc mềm cơ, hôn mê, run, bồn chồn hoặc co giật. Nếu trẻ có những triệu chứng trên khi sinh, hay liên hệ với bác sĩ hoặc hộ sinh của bạn để có được lời khuyên.
Phụ nữ cho con bú
Một lượng nhỏ Paroxetin tiết qua sữa mẹ. Nồng độ thuốc trong huyết thanh của trẻ sơ sinh bú mẹ là không phát hiện được (< 2 ng/mL) hoặc rất thấp (< 4 ng/mL). Không có dấu hiệu tác dụng của thuốc trên trẻ sơ sinh nên việc cho con bú có thể được cân nhắc.
Khả năng sinh sản
Paroxetin làm giảm chất lượng tinh trùng ở thử nghiệm trên động vật. Theo lý thuyết, việc này có thể tác động đến khả năng sinh sản nhưng chưa quan sát thấy tác động trên khả năng sinh sản ở người.
Lái xe và vận hành máy móc
Paroxetin có thể gây chóng mặt, lú lẫn, hoặc thay đổi thị giác. Nếu bạn bị ảnh hưởng bởi những tác động trên, không lái xe hoặc vận hành máy móc.
Khi nào cần tham vấn bác sĩ, dược sĩ
Nếu cần thêm thông tin, xin hỏi ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ
HẠN DÙNG CỦA THUỐC
36 tháng kể từ ngày sản xuất
Đánh giá
Chưa có đánh giá nào.